Văn hóa - Biên khảo

Những thành trì xưa ở Nam Kỳ Lục Tỉnh thời nhà Nguyễn

5/5 - (2 bình chọn)

Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí (do Quốc sử quan triều Nguyễn biên soạn bằng chữ Hán dưới thời vua Tự Đức) phần Nam Kỳ Lục Tỉnh do dịch giả Tu Trai Nguyễn Tạo dịch ra tiếng Việt với tựa đề Lục Tỉnh Nam Việt gồm 2 tập thượng (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) và tập hạ (An Giang, Vĩnh Long và Hà Tiên) được Nha văn hóa thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục VNCH xuất bản 1959.

Gia Định phế thành hay còn gọi là thành Bát quái (tức thành Qui): Mùa xuân năm Canh Tuất thứ 13 (1790), Thế tổ Cao hoàng đế (tức vua Gia Long) cho xây dựng thành bát quái như hình bông sen thuộc địa phận thôn Tân Khai, huyện Bình Dương. Thành này có 8 cửa: phía nam 2 cửa (Càn Nguyên và Ly Minh); phía bắc 2 cửa (Khôn Hậu và Khảm Hiểm); phía đông 2 cửa (Chấn Hanh và Cấn Chỉ); phía tây 2 cửa (Tốn Thuận và Đoài Duyệt). Chu vi thành hình vuông: ngang dọc có 8 đường, đông qua tây 130 trượng 2 thước, nam bắc cũng vậy. Cao 1 trượng 3 thước, có 3 bậc, chân dày 7 trượng 5 thước. Hào rộng 10 trượng 5 thước, sâu 14 thước.
Theo sách Đại Nam miêu tả thì “trong thành phía trước tả-điền đựng Thái-miếu, giữa có dinh hành tại, phía tả kho trừ tích, phía hữu có chế-tạo-cuộc, trại lính bố liệt chung quanh để quân túc-vệ ở, trước sân có trụ cờ ba tầng, cao 12 trượng 5 thước, trên có Vọng-đẩu bát-giác-tọa, ở bên trên treo thang giây, trên đẩu có quân thủ-vọng ngồi gác, có việc gì quan ngại thì ban ngày treo cờ hiệu, ban đêm treo đèn hiệu, quân đội trông theo đó để tuân theo điều khiển”.
Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) phá bỏ thành này xây lại thành mới (tức thành Phụng).

Tỉnh thành Gia Định: chu vi 429 trượng, cao 10 trượng 3 tấc, hào rộng 11 trượng 4 thước, sâu 7 thước, có 4 cửa thuộc địa phận thôn Nghĩa Hòa, huyện Bình Dương.

Tỉnh thành Vĩnh Long: chu vi 100 trượng, cao 1 trượng, rộng 2 trượng 5 thước, hào rộng 6 trượng, sâu 4 thước. Thành Vĩnh Long có 5 cửa (Đông Nam, Tây Nam, Đông, Tây và Bắc), có 5 năm cây cầu bắc qua hào, thuộc địa phận thôn Long Hồ và Tân Giai. Đến năm Gia Long thứ 12 (1813) đắp thành đất, có 4 góc nhọn như hình hoa mai.

Tỉnh thành An Giang: chu vi 362 trượng, cao 9 thước, có 3 cửa: tiền, tả và hữu, 4 mặt trồng tre, hào sâu 6 thước. Ngoài hào có sông gọi là hộ hà, bờ đê cao 2 thước 7 tấc, thuộc địa phận huyện Tây Xuyên, đắp năm Gia Long thứ 15 (1816).

Tỉnh thành Biên Hòa: chu vi 388 trượng cao 8 thước 5 tấc, hào rộng 4 trượng, sâu 6 thước, có 4 cửa, 1 kỳ đài. Ngoài mỗi cửa đều xây cầu đá ngang qua hào để đi qua lại. Trước đây thành Biên Hòa thuộc địa phận thôn Phước Lư; đến năm Gia Long 15 (1816) dời qua địa phận thôn Tân Lân, huyện Phước Chính. Năm Minh Mạng 15 (1834) đắp thành đất, đến năm Mình Mạng 18 (1837) xây lại đá ong.

Tỉnh thành Hà Tiên: chu vi dài 96 trượng 2 thước, cao 7 thước 2 tấc, chân dày 1 trượng 5 tấc, xây đá; thuộc địa phận xã Mỹ Đức, huyện Hà Châu, hào sâu 3 thước 5 tấc, có 3 cửa: tiền, tả và hữu.

Show More

Related Articles

Back to top button

Adblock Detected

Please consider supporting us by disabling your ad blocker