
Hôm nay, HonVietBIZ xin giới thiệu với các bạn sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp viết lách của cố nhà văn Bình-nguyên Lộc (về bút hiệu Bình-nguyên Lộc: có gạch nối liền giữa Bình và nguyên, nhưng không có gạch nối liền giữa nguyên và Lộc, và nguyên cần được viết với mẫu tự n không hoa). Ông tên thật là Tô Văn Tuấn, sanh ngày 7-3-1914 tại làng Tân Uyên (từ năm 1920 trở đi thành quận lỵ của quận Tân Uyên), tổng Chánh Mỹ Trung, tỉnh Biên Hòa. Ông sinh ra và lớn lên trong một ngôi nhà chỉ cách bờ sông Đồng Nai hơn một trăm thước. Chính con sông Đồng Nai này đã giúp ông chất liệu để hoàn tất một số tác phẩm như truyện ngắn “Đồng Đội” (trong Ký Thác), hồi ký “Sông Vẫn Đợi Chờ” (viết và đăng báo ở California), v.v….
Bình-nguyên Lộc là một nhà văn lớn của Việt Nam, ông thuộc vào 3 nhà văn đã sáng tác nhiều nhất của cả nước (Nguiễn Ngu-Í, trong “Sống và viết với …Bình-nguyên Lộc”, gọi ông là một trong tam kiệt bên cạnh Hồ Biểu Chánh và Lê Văn Trương). Ông sáng tác rất nhiều thể loại và có một văn phong vừa sâu sắc, vừa giản dị; giản dị đối với những ai chỉ đọc để giải khuây, nhưng cùng tác phẩm ấy sẽ rất sâu sắc nếu độc giả bỏ công suy nghĩ.
* Các bút bút hiệu của ông:
- Bình-nguyên Lộc: bút hiệu chánh cho các truyện ngắn, truyện dài tình cảm.
- Phong Ngạn: bút hiệu của tiểu thuyết dã sử “Quang Trung Du Bắc“ và “Tân Liêu Trai“
- Phóng Ngang, Phóng Dọc: biến thể của Phong Ngạn, bút hiệu của những bài trào phúng.
- Trình Nguyên: bút hiệu của một feuilleton, tiểu thuyết dã sử liên quan đến cuộc chiến Việt Chiêm, chỉ xuất hiện trong một truyện.
- Tôn Dzật Huân: bút hiệu của truyện trinh thám, là một loại tự-mê (anagramme) biến thể từ tên tộc Tô Văn Tuấn, chỉ dùng một lần
- Hồ Văn Huấn: bút hiệu của khảo cứu “Sửa Sai Cổ Sử“, cũng là loại tự-mê, biến thể từ tên Tô Văn Tuấn, xuất hiện từ khi ở hải ngoại.
- Diên Quỳnh: bút hiệu của chỉ một truyện vừa, tình cảm ở nồng độ tâm trạng đen, và của chỉ một truyện ngắn khác.
* Một số tác phẩm đã xuất bản trước 75:
- 1950: Nhốt Gió
- 1959: Ðò Dọc (lúc còn ở dạng thức feuilleton thì mang tựa là “Gái Chợ Về Quê”); Gieo Gió Gặt Bão; Tân Liêu Trai (ký bút hiệu Phong Ngạn).
- 1960: Ký Thác
- 1962: Nhện Chờ Mối Ai
- 1963: Xô Ngã Bức Tường Rêu; Bí Mật Của Nàng; Ái Ân Thâu Ngắn Cho Dài Tiếc Thương; Bóng Ai Qua Ngoài Song Cửa; Hoa Hậu Bồ Ðào; Mối Tình Cuối Cùng; Nửa Ðêm Trảng Sụp; Tâm Trạng Hồng.
- 1965: Ðừng Hỏi Tại Sao; Mưa Thu Nhớ Tằm.
- 1966: Tình Ðất; Những Bước Lang Thang Trên Hè Phố Của Gã Bình-nguyên Lộc.
- 1967: Một Nàng Hai Chàng (quay thành phim Hồng Yến năm 1972); Quán Tai Heo; Thầm Lặng; Trâm Nhớ Ngàn Thương (Trâm và Ngàn là tên hai nhân vật chính); Uống Lộn Thuốc Tiên; Nụ Cười Nước Mắt Học Trò.
- 1968: Ðèn Cần Giờ; Diễm Phương; Sau Ðêm Bố Ráp.
- 1969: Cuống Rún Chưa Lìa; Khi Từ Thức Về Trần; Nhìn Xuân Người Khác; Món Nợ Thiêng Liêng.
- 1971: Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam.
- 1972: Lột Trần Việt Ngữ; Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương, Lữ Ðoàn Mông-Ðen.
Theo Nguyễn Q. Thắng (nhà xuất bản Văn Học Hà Nội) thì tới năm 1973, ông còn 32 tác phẩm chưa in thành sách: Phù Sa; Ngụy Khôi; Ðôi Giày Cũ Chữ Phạn; Thuyền Trưởng Sống Lô; Mà Vẫn Chưa Nguôi Hình Bóng Cũ; Người Săn Ảo Ảnh; Suối Ðổi Lốt; Trữ La Bến Cũ; Bọn Xé Rào; Cô Sáu Nam Vang; Một Chuyến Ra Khơi; Trọng Thuỷ – Mị…Ðường; Sở Ðoản Của Ðàn Ông; Luật Rừng (Tống Diên: nhan đề đầu tiên có lẽ là Luật Rừng Xanh khi còn đăng báo); Cuồng Ca Thế Kỷ; Bóng Ma Dĩ Vãng; Gái Mẹ; Khi Chim Lìa Tổ lạnh; Ngõ 25; Hột Cơm Ngô Chúa; Lưỡi Dao Cùn; Con Khỉ Ðột Trò Xiếc; Con Quỉ Ban Trưa; Quật Mồ Người Ðẹp; Người Ðẹp Bến Ninh Kiều; Bưởi Biên Hòa; Giấu Tận Ðáy Lòng; Quang Trung Du Bắc; Xóm Ðề Bô (Tống Diên: khi đăng báo có tựa là Xóm Ðề Pô); Hai Kiếp Nhả Tơ; Muôn Triệu Năm Xưa; Hổ Phách Thời Gian.
(Theo binhnguyenloc.de)
Sau năm 1975, một số sách của ông được tái bản như Hương Quê, Ký Thác, Mưa Thu Nhớ Tằm, Cõi âm nơi quán cây dương, Mối tình cuối cùng,…Các bạn xem phần giới thiệu chi tiết từng quyển sách ở dưới nhé. HonVietBIZ tổng hợp và giới thiệu.
1- Tập truyện ngắn Hương Quê:

Sau mấy thập kỷ, kể từ lúc được in trên tạp chí Hương Quê, những truyện ngắn mang hương sắc miền Đông Nam bộ lại được ra mắt độc giả dưới tên gọi chung: “Hương Quê – Bình-nguyên Lộc“. Lối viết giản dị nhưng rất lôi cuốn, qua thời gian, càng cho thấy sức mạnh của một ngòi bút bậc thầy. Tạp chí Hương Quê đã chọn Bình Nguyên Lộc, cùng với Sơn Nam – một nhà văn tiêu biểu của miền Tây, làm hai trụ cột văn chương của hai vùng đất, để nói lên tiếng nói của nông dân Nam bộ. Những truyện ngắn của hai nhà này đến nay trở thành vốn quý của văn chương Việt Nam.
“Hương Quê – Bình-nguyên Lộc” sẽ là nỗ lực đầu tiên để xuất bản lại hàng loạt tác phẩm có giá trị cao của ông.
2- Tập truyện ngắn Ký Thác:

Ký Thác là tập truyện ngắn của Bình-nguyên Lộc, có thể nói Ký thác là một tập sách mà truyện nào cũng ý vị và trao chuốt công phu. Tất cả những truyện trong tác phẩm đều là những chuyện có nghĩa lý cùng cách hành văn vừa kỹ lưỡng, vừa phóng túng. Cách kể tự nhiên như giọng của một người trải đời, trải việc, không làm bộ làm điệu mà có duyên ngấm ngầm. Nhưng sâu thẳm hơn, đó là tấm lòng, là sự thôi thúc của người cầm bút. Như tác giả ý tứ trao gửi thông điệp qua truyện ngắn Lầu 3 phòng 7: “Viết văn chỉ là một thứ kỹ thuật tương đối dễ học. Nhưng muốn sáng tác, em cần phải có cái gì trong lòng, để mà nói ra, bằng không thì giã từ văn chương vậy. Lắm khi đã có cái ấy trong lòng rồi mà nó không cắn rứt mình, không kêu gào đòi chun ra lắm, thì cũng không thể sáng tác được. Em có cái gì trong bụng không?”
Những ghi chú về thời gian cho thấy, hầu hết những truyện ngắn trong tập sách này được viết từ sau năm 1954, tức sau Hiệp định Genève. Đây là khoảng thời gian có những nhạy cảm nhất định về chính trị. Sự xáo trộn trong đời sống thị dân, đặc biệt là ở những đô thị lớn như Sài Gòn, vừa là đề tài, vừa là sự thôi thúc cho một văn tài nặng nợ với quê hương như Bình-nguyên Lộc.
Ký Thác chắc chắn là cuốn sách bạn nên đọc nếu bạn là một người yêu văn chương, yêu cái phong vị một thời quá khứ đã xưa đầy hoài niệm.
3- Tập truyện ngắn Mưa Thu Nhớ Tằm:

Tập truyện này được viết vào khoảng những năm 1950, được nhà xuất bản Phù Sa in năm 1965, gồm 17 truyện.
Tập truyện ngắn Mưa Thu Nhớ Tằm kể về một người đàn ông từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Ông trồng một cây dâu trước nhà, nhìn cây mà nhớ nghề nuôi tằm xưa ở quê hương. Có đêm, ông giật mình nghe như tiếng tằm ăn lá, thắp đèn soi tìm nhưng không thấy tằm đâu. Đó là một mong ngóng hão huyền nhưng đầy thơ mộng của một người xa xứ.
Truyện “Lại mẹ tôi tái giá” viết về nỗi hờn ghen của một cậu bé khi người mẹ tái giá. Cậu đã bỏ đi biệt tích, lăn lóc với đời, theo giang hồ hành nghề móc túi rồi bị bắt vào trại giáo hóa. Mãn hạn, cậu phải lòng một cô gái rồi từ đó nghe tim mình vỡ vụn, không phải vì tình yêu mới chớm, mà vì nhận ra sai lầm lớn nhất của đời mình là không thấu hiểu người mẹ năm xưa, người “có lẽ ngày nay không còn nước mắt nữa để mà khóc.”
Mỗi truyện trong tập đều có một sức hấp dẫn riêng. Qua những chi tiết vừa giản dị vừa thật lạ lùng, nhà văn Bình-nguyên Lộc khảo sát nỗi niềm của các nhân vật mà hầu hết là những thân phận nghèo trôi dạt tứ phương. Một bệnh nhân điên hết bệnh nhưng chờ mãi không thấy người thân đến đón, biết mình bị bỏ rơi, cô sống ở nhà từ thiện và coi như mình đã chết rồi (truyện “Xác không chôn”). Một anh lính Tây trong một đội tuần tiễu bị lạc vào rừng, đã quyết định ở lại vùng sơn cước cheo leo, đi giúp đỡ một bộ tộc lạc hậu (truyện “Kẻ đào ngũ”).
Hay truyện “Quyển gia phổ”, trong cái lung linh của ngôn từ tinh lọc, hàm súc và nhiều tầng nghĩa, tác giả đưa người đọc dõi theo một nhóm bạn cùng đàm đạo chuyện nhân tình thế thái trong một đêm cuối năm: Những khác biệt trong quan niệm tồn giữ các giá trị xưa cũ, hay sự mâu thuẫn giữa nỗi mặc cảm và niềm kiêu hãnh đã được đẩy lên cao trào khi ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy trên ban thờ tổ tiên trong sự tuyệt vọng bất lực của gia chủ – quyển gia phổ, bảo vật của gia đình đã trở thành đống tro tàn.
Đọc Bình-nguyên Lộc, đặc biệt là gia tài truyện ngắn của ông, mới thấy được hết tầm vóc của một nhà văn lớn, mà sức ảnh hưởng đối với dòng văn học Nam bộ, về sau ông, là không thể đong đo được.
4- Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương:

Nhà văn Bình-nguyên Lộc có một mảng sáng tác lớn về đề tài tâm linh. Các truyện ngắn của ông thường bắt đầu bằng những chi tiết kỳ lạ mang yếu tố phi phàm, nhưng rồi rốt lại ông sẽ lý giải các hiện tượng có vẻ ma quái đó bằng cái nhìn khoa học. Cho nên đọc những truyện mang màu sắc liêu trai của ông, người đọc thường chỉ thấy hấp dẫn mà không sợ hãi. Đối với tiểu thuyết Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương, ông lại đi theo một hướng khác – liêu trai đến tận cùng, với nhân vật là chàng thanh niên trẻ yêu một hồn ma, mà anh ta tưởng đó là cô gái thật. Đêm đêm khi cô gái bí mật xuất hiện với tư cách là một nữ thám tử đã biết rõ tung tích của chàng (chàng trốn gia đình từ Sài Gòn lên Thủ Đức làm việc nơi quán Cây Dương) thì giữa họ đã nảy nở tình yêu. Cho đến một ngày chàng vỡ lẽ ra nàng chỉ là một hồn ma, thì tình cảm đã trở nên sâu đậm. Nhưng vì hai thế giới âm dương có nhiều cách trở, cuối cùng cô gái kia đành phải xa lìa, và cậu chàng đã trở lại cuộc sống bình thường.
Đây là tiểu thuyết tâm lý tình cảm có những tình tiết kỳ dị, lôi cuốn; người đọc khó rời trang sách, và nếu vì bận việc mà phải tạm gác lại việc đọc thì nỗi hiếu kỳ về số phận mối tình kỳ lạ ấy sẽ khiến họ sớm quay lại… đọc tiếp. Cõi âm nơi quán Cây Dương còn là cuộc khảo sát tâm lý của một người đang yêu – người ta có thể mù quáng, quên hết mọi thứ, kể cả không ý thức được rằng tính mạng mình đang bị đe doạ, điều đó nhiều khi không phải là tốt, như trường hợp của nhân vật N. trong tác phẩm này. Nó cũng cho thấy tình yêu, trong mọi cảnh ngộ, đều vô cùng mạnh mẽ, bất chấp mọi chướng ngại, lực trường của nó thậm chí xuyên qua các cõi âm dương, và điều này lại giúp củng cố thêm một niềm tin rằng: sự luyến ái vốn là đặc tính của con người, giúp họ tồn tại, nhưng cũng khiến họ khó bề được giải thoát.
Truyện dài Cõi Âm Nơi Quán Cây Dương được Nhà xuất bản Mây Hồng xuất bản lần đầu vào năm 1972.
5- Mối Tình Cuối Cùng:

Thăng, nhà điêu khắc trẻ, mới đi du học ở La Mã về quen với Thu Vân, một phụ nữ đứng tuổi, trong một buổi đi tắm ở thác Trị An. Thu Vân sau đó đã rơi vào bể tình với anh ta và bỏ rơi tình cũ, một người rất yêu thương nàng.
Sau một chuyến mạo hiểm với Thăng trở về, nàng nhận thấy Thăng chỉ là một cậu trai ích kỷ, nông nổi. Nàng cũng bị nhiễm sốt rét rừng. Trong khi nằm viện, người truyền máu cho nàng lại là ông Nhị, người đã gắn bó lâu năm với Thu Vân. Điều này khiến nàng bất ngờ đến sửng sốt. Khi đó, nàng cảm thấy ân hận và muốn nối lại tình xưa, nhưng Nhị nói rằng “hẹn em ở kiếp sau”.
Tiểu thuyết Mối Tình Cuối Cùng của Bình-nguyên Lộc đi sâu vào khai thác tâm lý trong tình yêu của đàn ông, đàn bà với những ngóc ngách tế nhị khiến độc giả bất ngờ và khâm phục ngòi bút tài tình của ông. Câu chuyện tâm lý tình cảm này vô cùng hấp dẫn và có thể nói phù hợp với tâm tình của mọi thế hệ người đọc.
(HonVietBiz tổng hợp và giới thiệu từ trang newshop)